Lý do tại sao người Hàn không muốn có con
Giới tính, chứ không phải chủng tộc, tuổi tác hay xuất xứ, mới là nguyên nhân chính gây chia rẽ trong xã hội đất nước này.
Dịch từ bài viết của Anna Louie Sussman
Vào những ngày cô cảm thấy độ lượng nhất với đàn ông—chẳng hạn như khi cô nhìn thấy một anh chàng đẹp trai trên phố—Helena Lee có thể gạt đi sự chán ghét của mình sang một bên và phải công nhận anh này quả là một “soái ca”. Nhưng cô sẽ không làm gì hơn: “Tôi không muốn biết anh ấy nghĩ gì trong bộ não của anh ấy.” Phần lớn thời gian, cô không muốn dính dáng gì tới đàn ông.
Cô nói: “Tôi cố gắng tin tưởng bọn đàn ông và tôi không phải là loại người kêu gọi ‘Giết hết đàn ông đi’. Nhưng xin lỗi, tôi hơi nghiêng về hướng đó—tức xu hướng cực đoan.”
Cô nói rằng cha cô là một người ngược đãi với gia đình và ông đã bỏ nhà đi khi cô mới 6 tuổi, và từ đấy cô sống với mẹ và bà, một gia đình mẫu hệ nho nhỏ mà cô yêu quý. Cô để tóc ngang vai, và vào ngày chúng tôi gặp nhau, cô mặc một chiếc áo denim đen có khuy và một chiếc áo khoác màu be. Ở trường đại học, các bạn nam nói với cô rằng cô sẽ dễ thương hơn nếu cô “sửa đổi phong cách đồng tính của mình”. Cô nói rằng điều tồi tệ nhất là bọn con trai ngạc nhiên khi cô nói rằng cô cảm thấy bị xúc phạm—họ tưởng là họ đang khen cô. Cô năm nay 24 tuổi, đang học để thi công chức và cô thích đọc sách của Andrea Dworkin, Carl Sagan, và thỉnh thoảng đọc tiểu thuyết lãng mạn, một thể loại mà cô cho là giả tưởng.
Lee thuộc một phong trào tẩy chay ở Hàn Quốc—những người phụ nữ chủ động chọn cuộc sống độc thân. Phong trào này—có thể lên tới hàng chục nghìn người, mặc dù không ai biết rõ con số—được gọi là “4B” hoặc “4 Không”. Các tín đồ nói không với hẹn hò, không quan hệ tình dục với nam giới, không kết hôn và không sinh con. (“B” ngụ ý đến tiền tố bi- trong tiếng Hàn, có nghĩa là “không”.)
Những người này thuộc thành phần cực đoan nhất của một phong trào rộng lớn trong xã hội, tức phong trào từ bỏ hôn nhân. Theo một ước tính, hơn 1/3 đàn ông Hàn Quốc và 1/4 phụ nữ Hàn Quốc hiện ở tuổi từ giữa đến cuối độ tuổi 30 sẽ không bao giờ kết hôn. Thậm chí nhiều người hơn thế sẽ không bao giờ có con. Năm 1960, trung bình phụ nữ Hàn Quốc có 6 con. Vào năm 2022, một phụ nữ Hàn Quốc trung bình chỉ sinh 0,78 con trong cuộc đời. Ở Seoul, mức sinh trung bình là 0,59. Nếu xu hướng này tiếp tục đi xuống, sẽ không lâu nữa, cứ hai phụ nữ ở thủ đô thì sẽ có một người không bao giờ làm mẹ.
Dân số ở nhiều nước đang già đi và ở một số nước, dân số đang giảm. Vào tháng 1, Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm dân số đầu tiên kể từ thập niên 1960, tức thời mà đất nước này bị nạn đói hành hạ. Tỷ lệ sinh ở Mỹ đã liên tục giảm kể từ cuộc Đại suy thoái (mặc dù 86% phụ nữ Mỹ vẫn có ít nhất một con khi họ đạt độ tuổi 40). Nhưng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc là thấp nhất trên thế giới.
Ở Hàn Quốc, hôn nhân và con cái có mối quan hệ chặt chẽ hơn bất cứ nơi nào khác, với chỉ 2,5% trẻ em sinh ra bên ngoài hôn nhân vào năm 2020, so với mức trung bình hơn 40% ở các nước OECD. Trong gần 20 năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng khuyến khích người dân cưới nhiều hơn và sinh nhiều con hơn. Năm 2005, chính phủ đã công nhận mức sinh thấp là một vấn đề quan trọng tầm quốc gia và ban hành Đạo Luật Tỷ Lệ Sinh Thấp Trong Một Xã Hội Già Hóa, và đạo luật này liên tục được gia hạn 5 năm một lần.
Chính phủ đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản, cung cấp cho các cặp vợ chồng số tiền thưởng ngày càng lớn khi họ có con và còn trợ cấp nhà ở Seoul cho các cặp vợ chồng mới cưới. Thị trưởng thành phố đã đề xuất nới lỏng các hạn chế về thị thực để nhập khẩu nhiều bảo mẫu rẻ tiền từ nước ngoài hơn, trong khi đó, một số chính quyền nông thôn đã tài trợ cho các anh chàng độc thân để họ ra nước ngoài tìm cô dâu. Vào năm 2016, chính phủ đã đăng “bản đồ sinh sản” lên mạng để mọi người biết số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hiện đang sống ở các vùng trên cả nước—một nỗ lực vụng về nhằm khuyến khích các thị trấn và thành phố sinh nhiều con hơn. Động thái này đã làm nổ ra một cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền với nhiều phụ nữ mang biểu ngữ với dòng chữ TỬ CUNG CỦA TÔI KHÔNG PHẢI TÀI NGUYÊN QUỐC GIA và MÁY ĐẺ TỰ ĐỘNG. Tấm bản đồ đã được gỡ bỏ.
Trong suốt thời gian qua, quốc gia này đã chi hơn 150 tỷ USD với hy vọng có thêm nhiều em bé chào đời. Không có một chính sách nào có hiệu quả. Nhiều tàu điện ngầm ở Hàn Quốc có ghế màu hồng dành riêng cho phụ nữ có thai, nhưng khi tôi đến thăm Seoul vào tháng 11, mặc dù bản thân đang mang thai sáu tháng và người tôi đang mỏi nhừ, tôi hiếm khi được ngồi; trên những chiếc ghế màu hồng chỉ có người già đang ngủ gật.
Có rất nhiều lý do khiến người dân quyết định không sinh con. Giới trẻ Hàn Quốc cho rằng trở ngại bao gồm chi phí nhà quá cao ở Seoul (tức nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số Hàn Quốc, đất nước có 52 triệu người), chi phí nuôi dạy con cái trong một nền giáo dục siêu cạnh tranh, và việc văn hóa cuồng công sở không phù hợp với cuộc sống gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, những người vẫn phải đảm đương phần lớn việc nhà và chăm sóc con cái. Nhưng những lời giải thích trên bỏ qua một nguyên nhân cơ bản hơn: sự xấu đi trong quan hệ giữa nữ giới và nam giới—một vấn đề mà truyền thông Hàn Quốc gọi là “chiến tranh giới tính”.
Lee nói với tôi: “Tôi nghĩ vấn đề cơ bản nhất hiện nay là rất nhiều cô gái nhận ra rằng họ không phải tuân theo truyền thống nữa. Họ có thể chọn không quan tâm.”

Tỷ lệ sinh giảm mạnh có nguyên nhân bắt nguồn từ sự chuyển đổi nhanh chóng của xã hội Hàn Quốc. Sau Chiến tranh Triều Tiên, nhiều người di cư từ làng quê lên làm việc trong các nhà máy ở thành thị với mức lương rất thấp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế mà nay được biết đến là “Phép màu trên sông Hán”. Tuyển sinh trung học và đại học tăng vọt. Một phong trào ủng hộ dân chủ cuối cùng đã dẫn đến việc lật đổ chế độ quân sự vào năm 1987 và người dân đã giành được nhiều quyền tự do mới. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các công ty đã tái cấu trúc và văn hóa doanh nghiệp của Hàn Quốc—vốn đòi hỏi giờ làm việc kéo dài để đổi lấy công việc ổn định—đã biến thành nơi mà nhân viên dễ bị đuổi việc hơn, tức môi trường mà người Mỹ vẫn quen lâu nay.
Nhưng quan niệm xã hội về giới tính thì lại không thay đổi nhiều. Chang Kyung-sup, một nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, đã dùng thuật ngữ hiện đại quá nhanh để mô tả việc nền kinh tế Hàn Quốc đã chuyển đổi nhanh như chớp, trong khi thể chế gia đình ở nước này thì lại phát triển chậm chạp và không đồng đều. Ngày càng có nhiều phụ nữ học lên cao hơn, và số phụ nữ học đại học đã vượt nam giới vào năm 2015. Tuy nhiên, xã hội vẫn kỳ vọng rằng phụ nữ có học sẽ rời bỏ công việc sau khi kết hôn hoặc có con. Gia đình vẫn là thành phần cơ bản của xã hội, và cả quan niệm cũ lẫn quan niệm mới đều coi mọi trách nhiệm gia đình là thuộc về phụ nữ. Tham vọng của phụ nữ đã được mở rộng, nhưng quan niệm về việc làm vợ và làm mẹ ở Hàn Quốc thì chưa. Kết quả là, sự oán giận từ cả hai phía của lằn ranh giới tính đã tăng mạnh.
Vào một ngày tháng 11 nắng đẹp, tôi gặp Cho Young-min, 49 tuổi, tại một quán cà phê ở Gangnam. Sau hơn hai thập kỷ làm trong ngành tiếp thị, cô đã chuyển sang điều hành một công ty chuyên về xây dựng các khu vườn đô thị. Cô coi cuộc chiến giới tính một phần là do kỳ vọng đã không còn giống với thực tế, và một phần là do bây giờ là lần đầu tiên nam giới và nữ giới thực sự phải cạnh tranh nhau để giành việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc tương đối thấp, ở dưới 4%, nhưng tỷ lệ này cao hơn đáng kể đối với những người ở độ tuổi 20. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc dành cho nam giới—Hàn Quốc về lý thuyết vẫn đang đánh nhau với Triều Tiên—tặng phụ nữ một thứ mà nam giới coi là lợi thế trên thị trường lao động, tức phụ nữ sẽ có nhiều hơn khoảng 18 tháng đến hai năm kinh nghiệm so với đàn ông cùng tuổi. Phụ nữ phản bác rằng chênh lệch về lương giữa hai giới tính vẫn là 31%, tức mức cao nhất trong các nước OECD.

“Trong suy nghĩ của phụ nữ, trước đây họ chỉ có một phần rất nhỏ của chiếc bánh, như thế này”—Cho nắm ngón cái và ngón trỏ sát vào nhau. “Bây giờ thì họ đang được ăn nhiều bánh hơn, từng chút một. Phần của họ vẫn còn rất nhỏ so với phần của nam giới. Nhưng đàn ông nghĩ rằng họ đang thua trận.”
Tháng 3 năm ngoái, Yoon Suk-yeol được bầu làm tổng thống trong một làn sóng phẫn nộ của nam giới. Ông đã cam kết bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình ở nước này, bộ mà ông nói rằng đã coi đàn ông như thể họ chỉ là những “tội phạm tình dục tiềm năng”. Và ông đã đổ lỗi cho nữ quyền về tỷ lệ sinh thấp của đất nước, nói rằng nữ quyền “ngăn cản mối quan hệ lành mạnh giữa nam và nữ”, đồng thời nói thêm rằng đây “không phải là vấn đề có thể được giải quyết bằng trợ cấp của chính phủ.”
Theo các cuộc thăm dò ý kiến, gần 59% nam giới từ 18 đến 29 tuổi đã bỏ phiếu cho Yoon, trong khi 58% phụ nữ trong độ tuổi đó đã bỏ phiếu cho ứng cử viên còn lại. Một nhà bình luận tuyên bố rằng đây là “cuộc bầu cử của bọn đàn ông ghét phụ nữ.” Một số người nói với tôi rằng ở một quốc gia đồng nhất về sắc tộc như Hàn Quốc, cuộc bầu cử này đã dùng giới tính, thay vì chủng tộc hay xuất xứ, để chia rẽ người dân.
Cho Jung-min đã luôn có ý định kết hôn vào năm 23 tuổi. Mẹ cô đã lấy chồng khi còn rất trẻ và đã sinh cô ở tuổi 22. Cho thích có mẹ trẻ; hai mẹ con xem cùng một chương trình ti vi và hâm mộ cùng một ca sĩ. “Tôi muốn được làm điều tương tự với con mình,” Cho nói với tôi. Nhưng năm cô ấy 17 hoặc 18 tuổi, cô đã kể ý định kết hôn của mình với một người bạn. “Vậy thì tại sao bạn lại phải vất vả học tập để vào đại học đến như vậy?” bạn cô hỏi. Cho nghĩ đó là một câu hỏi hay. “Đó là một trong những bước ngoặt trong suy nghĩ của tôi,” cô nói. Cho hiện 32 tuổi và độc thân.
Chúng tôi gặp nhau ở một nhà hàng Ấn Độ gần văn phòng cô. Cho có mái tóc đen gợn sóng và mặc chiếc áo khoác len sành điệu với khăn quàng cổ lấp lánh. Cô đã học và làm việc ở Pháp nhiều năm, nhưng đã chuyển về nhà trong đại dịch. Cô hiện nay là chiến lược gia cho một công ty bán đồ sang trọng trên mạng, nơi mà nhiều ngày làm việc của cô kéo dài đến 10 hoặc 11 giờ tối. (Điều này không có gì là lạ: Tuần trước, một đề xuất của chính phủ nhằm tăng giới hạn giờ làm việc hợp pháp từ 52 tiếng lên 69 tiếng một tuần đã bị hủy bỏ sau khi bị người trẻ và một số nhóm phụ nữ phản đối.)
Giờ làm việc này mang lại cho Cho rất ít cơ hội để hẹn hò, và các buổi hẹn hò của cô cũng không thể được gọi là thành công. Cô đã hẹn hò bốn hoặc năm lần trong hai năm qua. (Hẹn hò xem mắt do bạn bè hoặc đồng nghiệp tổ chức, cũng như qua các công ty mai mối lớn, là cách hẹn hò phổ biến ở Hàn Quốc, nơi hẹn hò trực tuyến không phổ biến như ở Mỹ). Cô nhận thấy rằng đàn ông thường rất bảo thủ và họ có “lối suy nghĩ truyền thống.” Cô nói rằng đàn ông “luôn muốn tranh luận với tôi: ‘Tại sao cô lại nghĩ như vậy?’ Bọn họ ai cũng muốn dạy dỗ tôi.” Cô không nói với ai rằng cô là một nhà nữ quyền. Mẹ cô đã cảnh báo rằng cô không nên làm vậy, vì mẹ cô nghĩ việc tuyên bố mình là một nhà nữ quyền có thể đem lại hiểm nguy.
Khi tôi hỏi tại sao cô nghĩ giới trẻ Hàn Quốc đang rút lui khỏi việc hẹn hò, Cho ngay lập tức đưa ra vấn đề về an toàn tính mạng. “Ngày nay rất nhiều bạo lực xảy ra khi hẹn hò, vì vậy chúng tôi bắt đầu cảm thấy rất sợ hãi,” cô nói.
Năm 2016, một người đàn ông 34 tuổi đã sát hại một phụ nữ trong nhà vệ sinh công cộng gần ga tàu điện ngầm Gangnam ở Seoul. Mặc dù anh ta nói rằng anh tức giận vì thường xuyên bị phụ nữ phớt lờ, nhưng cảnh sát vẫn đổ lỗi cho bệnh tâm thần. Đây là một sự kiện ám ảnh đối với nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc, khiến họ vô cùng tức giận và khiếp sợ; họ nghĩ việc này có thể xảy ra với bất cứ ai.
Một nghiên cứu năm 2021 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho thấy 16% phụ nữ Hàn Quốc đã phải trải qua bạo lực do bạn đời gây ra—được định nghĩa là những hành vi lạm dụng về tình cảm, thể chất hoặc tình dục, bao gồm cả những hành vi mang tính kiểm soát khác. Một cuộc khảo sát nhỏ hơn vào năm 2016 của Korea Women’s Hotline, một tổ chức phi lợi nhuận, cho thấy rằng 62% người được phỏng vấn đã gặp những hành vi như vậy khi họ hẹn hò. Trong một nghiên cứu năm 2015 với 2.000 nam giới, gần 80% cho biết họ có hành vi lạm dụng hoặc kiểm soát đối với bạn tình.
Cách đây không lâu, Cho đang ngồi trên xe buýt chờ xuống bến thì một chiếc SUV tấp vào lề. Một người đàn ông xuống xe và bắt đầu ném bóng bowling xuống đường. Một người phụ nữ trèo ra sau anh ta, khóc và la hét, và anh ta bắt đầu đánh cô ta. Cho gọi cảnh sát. “Tôi tưởng mấy cảnh bạo lực như vậy chỉ có trên tin tức,” cô nói. “Tôi nhận ra rằng nó cũng có thể xảy ra với tôi.”
Nhiều phụ nữ mà tôi phỏng vấn nói rằng họ đã chứng kiến bạo lực gia đình trong tuổi tuổi thơ và họ sợ bị tổn thương bởi những người đàn ông mà họ có thể hẹn hò, hoặc bị quay phim trong lúc thân mật.
Meera Choi, nghiên cứu sinh ở Đại học Yale, đang nghiên cứu về bất bình đẳng giới và những thay đổi trong gia đình Hàn Quốc—điều mà cô gọi là “khủng hoảng nam nữ”. Khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên của mình về mức phổ biến của nỗi sợ hãi mà những người như Cho nêu lên, cô ước tính rằng 20 trong số 40 phụ nữ mà cô phỏng vấn gần đây về vấn đề này đã từng trải qua bạo lực gia đình hoặc bạo lực trong lúc hẹn hò.
Nhiều phụ nữ mà tôi phỏng vấn nói rằng chế độ gia trưởng và phân biệt giới tính là những thứ hằn sâu trong ký ức của họ. Khi còn nhỏ, một số người đã phải đợi đến lúc cánh đàn ông trong gia đình ăn xong thì họ mới được ngồi xuống để ăn đồ ăn thừa nguội lạnh của đàn ông. Họ đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ yêu quý anh em trai của họ hơn là họ. Họ đã bị cha đánh và bị quấy rối tình dục ở trường. Họ đã lớn lên và đi phỏng vấn tìm việc và ngay lập tức bị hỏi về tình trạng hôn nhân của họ.
Nhưng nhiều người nói rằng họ mới chỉ nghĩ lại về những trải nghiệm này sau khi họ biết đến nữ quyền—thường là biết qua mạng. Họ đã mô tả một khoảnh khắc thức tỉnh, thậm chí có thể gọi là bị cực đoan hóa. Họ đọc về các vụ sát hại phụ nữ, bám đuôi phụ nữ và nạn tội phạm tình dục kỹ thuật số, gọi là molka, một vấn nạn đã liên tục gia tăng kể từ năm 2011.
Trên toàn thế giới, đàn ông vẫn luôn ồn ào trên internet. Trang web Ilbe.com của Hàn Quốc, vốn được biết đến là nơi công khai chống nữ quyền, nhận được khoảng 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng ở một quốc gia với chỉ dưới 52 triệu dân. (Người dùng trang web này cũng chống nhiều thứ khác: chống LGBTQ, chống tự do, chống người nhập cư). Cộng đồng Ilbe có các thành phần thuộc cánh phải; một số người đã ví trang web này như thể diễn đàn 4chan hoặc incel. Người dùng gọi phụ nữ Hàn Quốc là kimchinyeo, tức “phụ nữ kim chi”, ám chỉ rằng họ là những người phù phiếm, ham vật chất và thích thao túng đàn ông. Nam giới chia sẻ các bài đăng kỳ thị phụ nữ và phàn nàn về việc bị phân biệt đối xử ngược, hành vi mà một nhà văn Hàn Quốc đã mô tả là “ghét phụ nữ một cách hoang tưởng”.
Năm 2015, một số phụ nữ bắt đầu chống trả. Họ đã tạo ra một trang web, Megalia, nơi họ “bắt chước” đàn ông: Họ viết những bài viết mang văn phong của đàn ông, bắt chức gu hài hước bệnh hoạn và những câu đùa kỳ thị phụ nữ, nhưng họ sử dụng chúng để chế giễu đàn ông. Để phản bác những bài viết coi phụ nữ Hàn Quốc như thể đồ vật và những câu phàn nàn về bộ ngực nhỏ của họ, phụ nữ đã chế nhạo đàn ông Hàn Quốc là có dương vật nhỏ. Logo của trang Megalia ám chỉ đến câu đùa này: biểu tượng của trang là một hình bàn tay với ngón cái và ngón trỏ gần nhau. Họ lật ngược giới tính trong những lời chế nhạo phổ biến về phụ nữ, và đăng những bình luận như “Phụ nữ thích đàn ông còn trinh” và “Đàn ông nên ở trong bếp”. Jeong Eui-sol, giảng viên nghiên cứu về giới tính tại Đại học Quốc gia Chungnam ở Daejeon, mô tả đây là “nữ quyền mang tính khiêu khích”.
Megalia ngừng hoạt động vào năm 2017, sau khi nhiều người dùng rời đi để chuyển sang một cộng đồng nữ quyền mới mang tên Womad. Nhưng những lý tưởng về nữ quyền cũng đang lan truyền theo cách khác. Cuốn tiểu thuyết Kim Ji-young, Sinh năm 1982, mô tả cách phụ nữ Hàn Quốc bị kỳ thị từ thời thơ ấu cho đến lúc làm mẹ, đã bán được hơn một triệu bản và được dựng thành một bộ phim nổi tiếng. Kim Jo-eun, một nhà xã hội học nghiên cứu về giới tính và nhân khẩu học tại Trường Quản lý và Chính sách Công KDI ở Sejong, đã nhận thấy rằng số lượt tìm kiếm trên Google về nữ quyền và ghét phụ nữ đã tăng mạnh sau vụ giết người ở Gangnam. Số lượt tìm kiếm về nữ quyền đã tăng trở lại vào năm 2018, hồi phong trào #MeToo bắt đầu ở Hàn Quốc.
Kim tin rằng sự ngờ vực hay thậm chí là thù hận giữa phụ nữ và đàn ông là chìa khóa để hiểu vì sao tỷ lệ sinh đang giảm ở Hàn Quốc. Cô nói với tôi rằng vấn đề không phải là phụ nữ đang có bạn đời và “đắn đo về việc có thêm một hay hai con. Vấn đề ở Hàn Quốc là phụ nữ thậm chí không muốn dính dáng gì đến đàn ông.”
Mặc dù các phương pháp của trang Megalia có gây tranh cãi, nhưng nó đã đạt được mục đích là làm cho xã hội nhận ra phụ nữ đang bị kỳ thị đến mức nào. Theo quan điểm của Helena Lee, thành công của phong trào nữ quyền trên mạng là việc nó cho phụ nữ thấy họ đang đối phó với một đối thủ như thế nào và tại sao đàn ông không xứng đáng được tha thứ. “Bạn không cần phải phẫu thuật thẩm mỹ; vẻ ngoài của bạn không phải là giá trị của bạn; bạn không cần phải có mái tóc dài bồng bềnh; bạn không cần phải trang điểm; bạn không nên nuông chiều hay ‘làm mẹ’ cho bạn trai,” cô nói, liệt kê một số lý tưởng mà cô và các nhà nữ quyền khác đã tìm cách để truyền đạt.
Điều mà phong trào này không làm, mà hầu hết mọi người đều đồng ý, là khai sáng cho đàn ông hay thay đổi quan điểm của họ. Thay vào đó, đối với những người đàn ông vốn đã cảm thấy mình là nạn nhân và đang tức giận, trang web này giúp biến nữ quyền thành một từ bẩn thỉu.

Nếu phụ nữ Hàn Quốc bực bội với kỳ vọng của đàn ông về họ, thì điều ngược lại cũng đúng.
Nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình và phải làm việc trung bình nhiều hơn 5 tiếng một tuần so với phụ nữ—40,6 giờ so với 35,2 giờ. Nhiều người Hàn Quốc vẫn kỳ vọng người đàn ông hoặc gia đình anh ta sẽ mua nhà cho cặp vợ chồng mới cưới, ngay cả khi cả vợ và chồng đều có việc làm. Thật vậy, một nghiên cứu cho thấy thu nhập của cha mẹ là một yếu tố dự đoán mạnh mẽ cho tỷ lệ kết hôn ở đàn ông, nhưng nó lại không ảnh hưởng gì đến tỷ lệ kết hôn ở phụ nữ.
Tôi gặp Ha Jung-woo trong một quán cà phê vào một buổi tối sau giờ làm việc. Anh Ha 31 tuổi, cao ráo và đẹp trai, với nụ cười ấm áp và phong thái hoàn hảo, kiểu đàn ông mà bạn ước mình có thể nhân bản cho tất cả các cô bạn gái độc thân của mình. Anh đã học ở Đại học University of Texas at Austin và đã có một mối quan hệ mặn mà ở đó với một sinh viên người Mỹ gốc Hàn. Sau khi họ chia tay và anh chuyển về nhà, anh đã gặp một người phụ nữ khác ở đây. Anh và cô ấy rất giống nhau, anh nói. Nếu họ cùng xem một bộ phim, họ sẽ khóc ở cùng một cảnh, và nếu họ đang đọc tin, họ sẽ tức giận vì những điều giống nhau. Anh thích rằng cô ấy là một người hay cười.
Năm 2021, họ đính hôn. Ngày đã định, địa điểm đã đặt. Cả hai bên cha mẹ đã đồng ý rằng họ sẽ cùng nhau giúp mua cho cặp vợ chồng mới cưới một căn hộ; gia đình cô sẽ trả 30% giá nhà, anh Ha trả 20% và bố anh trả 50% còn lại. Nhưng sau đó công việc kinh doanh dệt may của cha anh gặp phải một số thất bại và ông bố chỉ có thể góp 30%. Ha sẵn sàng vay tiền ngân hàng—bản thân anh có một công việc ổn định. Nhưng anh nói rằng tin tức về hoàn cảnh khó khăn của cha anh đã khiến gia đình hôn thê hoảng sợ và cô ấy đã hủy bỏ hôn ước.
Ha rất đau đớn. Anh hỏi cô: “Đó là quyết định của em hay là quyết định của bố mẹ em?” Khi cô ấy nói rằng đó là quyết định của cô, anh đã đầu hàng.
Yoon Jun-seok đang học năm thứ hai của chương trình kết hợp thạc sĩ và tiến sĩ kỹ thuật điện tại trường đại học Korea University danh tiếng. Khi chúng tôi gặp nhau tại quán cà phê gần khuôn viên trường, anh mặc một chiếc áo hoodie của đội bóng chày San Francisco Giants và đi đôi dép lê màu đen có logo của đội đó. Anh có ít bạn nữ và chưa bao giờ có bạn gái. Anh không cảm thấy rằng hẹn hò là “cần thiết” ngay lúc này. Ở tuổi 25, ưu tiên duy nhất của anh là hoàn thành bằng tiến sĩ, tức sẽ mất 5 hoặc 6 năm nữa, sau đó kiếm một việc làm ổn định.
Vào thời điểm đó, anh sẽ khoảng 32 tuổi. Sau đó, và chỉ khi đó, anh mới nghĩ rằng mình có thể cố gắng hẹn hò. “Nếu tôi có thể kết hôn, thì có lẽ tôi sẽ kết hôn ở tuổi từ 35 đến 40,” anh nói. “Nuôi con ở Hàn Quốc rất là tốn kém.”
Trong một cuộc khảo sát năm 2020 với 1.000 người Hàn Quốc ở độ tuổi 30, hơn một nửa số nam giới không muốn kết hôn nói rằng lo lắng về tài chính là lý do chính của họ; một phần tư phụ nữ cho biết họ “hạnh phúc khi sống một mình”, trong khi một phần tư khác nói “văn hóa gia trưởng và bất bình đẳng giới” là lý do chính tại sao họ phản đối hôn nhân. (Một cuộc khảo sát khác gần đây của hai công ty mai mối cho thấy rằng phụ nữ không muốn kết hôn vì họ đoán trước rằng việc phân chia việc nhà sẽ không cân xứng, trong khi đàn ông do dự vì “nữ quyền”.)
Vào buổi sáng đầu tiên mà tôi đến Seoul, tôi đã uống cà phê với Jung Kyu-won, một nhà đạo đức sinh học đang dạy luật và y khoa tại hai trường đại học trong thành phố. Chúng tôi đã trao đổi qua email về cuộc chiến giới tính, và ông đã hỏi các sinh viên nam của ông liệu họ có muốn nói chuyện với tôi không. Những sinh viên nam trẻ tuổi này không muốn được phỏng vấn, nhưng họ đã chia sẻ suy nghĩ của mình với ông, và ông đã tóm tắt lại cho tôi. (Tôi nghĩ lý do vì sao những người sẵn sàng nói về vấn đề này chủ yếu lại là phụ nữ dường như có liên quan gì đó đến chính vấn đề này.) Họ có một danh sách dài chứa đầy phàn nàn, và nhiều điều trong số đó bắt nguồn từ việc thiếu niềm tin vào các bạn đời nữ tiềm năng, và bất bình trước kỳ vọng rằng họ sẽ phải gánh gần như toàn bộ trách nhiệm tài chính trong mối quan hệ.
Jung đã ngoài 50 và đã ly dị nhiều năm. Gần đây, ông có đọc một bài báo về kỳ vọng của phụ nữ đối với một người chồng, ông nói với tôi, và nhận ra rằng bản thân ông, mặc dù có nhiều thành tích về chuyên môn, vẫn không đáp ứng được yêu cầu về lương của phụ nữ.
Một số bạn trẻ tôi gặp ước rằng mọi chuyện có khác. Shin Hyun, 20 tuổi, là một tín đồ Cơ đốc sùng đạo đang học ngành văn học và văn hóa tại Đại học Yonsei ở Seoul. Anh có quan hệ gần gũi với cha mẹ, những người luôn nói với con cái họ rằng: “Các con là phần thưởng lớn nhất của bố mẹ”. Anh ấy muốn kết hôn và được trải nghiệm vai trò làm cha một ngày nào đó. Anh nói với tôi: “Tôi không nghĩ bạn có thể cảm nhận được tình yêu nào lớn hơn tình yêu của bố mẹ.”
Dạo quanh Seoul, tôi bắt đầu tự hỏi bọn trẻ con đang trốn ở đâu. Khắp thành phố, tôi thấy nhiều “khu vực cấm trẻ em”—các nhà hàng và quán cà phê dán nhãn lên cửa để quảng cáo rằng cơ sở họ cấm trẻ em. Nhưng bọn trẻ con phải ở đâu đó chứ, phải không?

Một buổi tối nọ, tôi đi cùng với một phiên dịch viên đến Daechi-dong, một khu vực ở Gangnam nổi tiếng là nơi có rất nhiều hagwon—tức các lớp luyện thi. Anh chỉ tay về phía các tòa tháp văn phòng nằm dọc đại lộ, và anh cho biết trường nào nằm ở tầng nào—trường này dạy ngôn ngữ, trường kia dạy toán. Vào khoảng 9:30 tối, nhiều chiếc ô tô (tất cả đều có mẹ cầm lái) tấp vào lề đường. Đến 10 giờ, trẻ em và thanh thiếu niên mọi lứa tuổi, đeo ba lô nặng trĩu, đổ ra đường.
Vài đêm sau, tôi ngồi xuống với Lira, một phụ nữ vui vẻ ở cuối tuổi 40, người đã yêu cầu tôi không tiết lộ họ của cô vì lý do riêng tư. Cô lớn lên trong thập niên 70 và 80, hồi học sinh chỉ theo học hagwon nếu chúng yếu một môn nào đó nhất định. Bây giờ học thêm là điều cần thiết cho bất cứ đứa trẻ nào muốn được vào một trường đại học tử tế. Con gái Lira học tại một lớp hagwon rất áp lực, cách nhà họ 30 đến 40 phút, để vào một trường trung học cạnh tranh. Lớp này tốn khoảng 2.400 đô la một tháng, “rất đắt đỏ cho gia đình tôi,” Lira nói. Khi tôi hỏi liệu chồng cô có giúp gì không—nghiên cứu lớp hagwon tốt nhất, đưa đón hàng ngày, chuẩn bị những bữa ăn tươi ngon và những món đặc biệt để giúp giảm căng thẳng cho con gái—cô ấy phải mất một phút để dừng cười trước khi cô trả lời là không: “Ở Hàn Quốc, việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của phụ nữ.”
Thật vậy, nhiều bà mẹ mà tôi nói chuyện, mặc dù đã kết hôn, nghe như thể họ là người mà tôi sẽ sớm trở thành: một bà mẹ đơn thân. Ở tuổi 40, tôi quyết định sử dụng trứng mà tôi đã đông lạnh vài năm trước để thụ tinh ống nghiệm—điều không chỉ bị phản đối ở Hàn Quốc mà về cơ bản là bất khả thi: Hiệp hội Sản phụ khoa Hàn Quốc chỉ cho phép phụ nữ đã kết hôn được nhận tinh trùng hiến tặng.
Một ngày nọ, vào cuối chuyến đi, tôi đến thăm một phòng khám của Trung tâm Sinh sản CHA. Tôi rất ngạc nhiên, vì mặc dù việc kinh doanh dịch vụ đông lạnh trứng của CHA đang phát triển, một giám đốc của trung tâm này vẫn nói với tôi rằng cá nhân cô không ủng hộ việc phụ nữ trở thành bà mẹ đơn thân, bởi vì “điều đó không tốt cho đứa trẻ.” Nhưng khi người trẻ nhìn gia đình hạt nhân với con mắt ngày càng hoài nghi, Hàn Quốc có thể phải chấp nhận, và thậm chí hỗ trợ, các mô hình gia đình khác.
Rất ít quốc gia giàu có đã thành công trong việc đảo ngược tình trạng suy giảm mức sinh và không có một nước nào quay trở lại được mức sinh thay thế 2,1 ca sinh/phụ nữ sau khi bị tuột khỏi mức sinh đó. Paul Y. Chang, một nhà xã hội học Harvard nghiên cứu về cuộc sống gia đình ở Hàn Quốc, cho biết những thách thức về mặt vật chất và về mặt xã hội ở nước này đan xen nhau. Anh nói: “Nếu bạn mua nhà cho những người đàn ông thất nghiệp, tôi đoán là họ sẽ bớt kỳ thị phụ nữ hơn một chút và sẽ bớt tức giận hơn với thế giới.” Tương tự, “nếu bằng cách nào đó chúng ta có thể buộc các công ty phải trả lương bình đẳng cho phụ nữ và cung cấp cho họ lộ trình thăng tiến tương đương với những gì nam giới được hưởng thì tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ làm phong trào nữ quyền trở nên yếu đi.” Một xã hội thịnh vượng hơn có thể khiến mọi người thoải mái hơn trong việc lập kế hoạch cho một tương lai có chỗ cho hôn nhân và con cái.
Nhưng hầu hết những phụ nữ mà tôi phỏng vấn đều phản bác những ý tưởng trên. Một số người nghĩ rằng xã hội Hàn Quốc sẽ luôn kỳ thị phụ nữ. Nhiều phụ nữ cho biết họ hạnh phúc khi sống cùng với thú cưng; nhiều người đã bắt đầu hẹn hò đồng giới.
Park Hyun-joon, một nhà xã hội học tại Đại học Pennsylvania, đã chỉ đạo Dự án Người trẻ Hàn Quốc, trong đó anh và các đồng nghiệp đã khảo sát khoảng 5.000 người Hàn Quốc tuổi từ 25 đến 49. Anh nhận thấy rằng nhiều người Hàn Quốc coi gia đình là “một thứ xa xỉ”. Nhưng anh cũng thừa nhận rằng có một sự khác biệt về giá trị giữa nữ giới và nam giới, và đây là một vấn đề khó giải quyết bằng chính sách. “Tôi hiểu rõ tại sao phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc,” anh nói. “Tính bảo thủ về chính trị và văn hóa của đàn ông có thể khiến họ trở nên kém hấp dẫn hơn trên thị trường hôn nhân.”
Hay như một phụ nữ trẻ mà tôi biết đã nói, bạn bè của cô “ghét đàn ông, và sợ đàn ông.”
Tôi tự hỏi liệu thứ xa xỉ mà anh Park đề cập đến có phải là lòng tin hay không—tức khả năng tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay và rằng những người đồng bào của bạn đang cố gắng để đạt viễn cảnh đó.
Tôi đã hỏi nhiều người liệu họ có nghĩ Hàn Quốc đang mất đi thứ gì đó khi đất nước này từ chối sinh sản hay không. Một số người thậm chí không hiểu câu hỏi. Một số người đề cập đến việc phải trả thuế cao hơn trong tương lai. Một phụ nữ, một tín đồ của phong trào 4B, cho biết cô ấy nói đùa với bạn bè rằng giải pháp cho các vấn đề của Hàn Quốc là cả nước biến mất. Cô nói với tôi rằng Thanos, nhân vật phản diện trong phim The Avengers, kẻ đã tiêu diệt một nửa dân số Trái đất chỉ bằng một cái búng tay, đã không làm gì sai. Meera Choi, nghiên cứu sinh về bất bình đẳng giới và sinh sản, nói với tôi rằng cô ấy đã từng nghe các nhà nữ quyền Hàn Quốc nói câu đùa y hệt về Thanos. Bên dưới câu bông đùa, tôi cảm thấy có một sự tuyệt vọng tột cùng.
Sau khi nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ tử tế và có suy nghĩ sâu rộng, tôi chỉ cảm thấy buồn rằng, một thế hệ kể từ bây giờ, sẽ có ít người như họ hơn ở đất nước này. Một buổi sáng nọ, bên ngoài khách sạn tôi, tôi nhìn thấy một người cha trong bộ com-lê và áo choàng đang đứng đợi cùng đứa con trai nhỏ của anh ở góc đường. Khi chiếc xe buýt đưa đón của trường dừng lại, anh đã giúp cậu bé lên xe, sau đó đứng vẫy tay và mỉm cười với cậu qua cửa sổ xe buýt trong lúc cậu đi dọc lối đi xuống chỗ ngồi của mình. Người cha liên tục vẫy tay một cách âu yếm, như thể anh không thể vẫy tay đủ trong những giây phút cuối cùng mà anh còn nhìn thấy cậu con trai. Anh vẫn còn mỉm cười rất lâu sau khi xe buýt rời bến.