Hàng thế kỷ trước, Trung Quốc đã từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều nhà phân tích nghĩ rằng nước này rồi sẽ lấy lại ngôi đầu bảng. Nhưng nhiều khó khăn đang bủa vây người khổng lồ châu Á, trong đó có một số khó khăn do chính nước này tự gây ra, và chúng sẽ đẩy lùi ngày mà Trung Quốc vượt mặt Mỹ để trở lại vị trí đứng đầu. Ngày càng có nhiều nhà kinh tế học cho rằng ngày đó thậm chí có thể sẽ không bao giờ đến.
Dân số Trung Quốc lớn hơn Mỹ gấp 4 lần. Do đó, nền kinh tế của nước này có thể vượt qua Mỹ về mặt quy mô rất lâu trước khi nó sánh ngang được với Mỹ về độ tinh vi. GDP bình quân đầu người của nước này chỉ cần đạt mức 1/4 của Mỹ để tổng GDP Trung Quốc trở thành lớn nhất thế giới. Theo một cách tính, Trung Quốc đã đạt được thành tích khiêm tốn đó. GDP của nước này đã vượt qua Mỹ vào năm 2016 nếu được quy đổi sang đô la theo “sức mua tương đương”, tức một phương pháp nhân số hàng hóa và dịch vụ mà mỗi quốc gia sản xuất được với cùng một mức giá quốc tế.
Nhưng GDP của Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ nếu được quy đổi sang đô la bằng cách sử dụng tỷ giá hối đoái quen thuộc trên thị trường ngoại tệ. GDP của nước này đạt 17,7 triệu đô la vào năm 2021, so với mức 23 triệu đô la của Mỹ. Và sự tăng trưởng của Trung Quốc đã bị cản trở bởi chính sách zero-COVID của nước này (tức đối phó với mọi đợt bùng phát virus bằng cách phong tỏa toàn bộ thành phố) cũng như bởi khủng hoảng trong thị trường bất động sản, sự thiếu cải tổ của các doanh nghiệp nhà nước và cuộc chiến công nghệ đang diễn ra với Mỹ. Những chính sách quá nghiêm ngặt của chính phủ trong các lĩnh vực vốn đang bùng nổ trước đây như công nghệ và giáo dục cũng khiến tâm lý thị trường trở nên chán nản. Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển một cách ấn tượng ở mức 8,1% vào năm 2021, nhưng năm nay nó sẽ rất may nếu đạt được mức chỉ 3%.
Về lâu dài, dân số già của Trung Quốc sẽ đem lại nhiều khó khăn hơn nữa. Theo một số ước tính, lực lượng lao động có thể giảm 15% trong vòng 15 năm tới. Capital Economics, một công ty tư vấn, cho rằng GDP Trung Quốc có thể gần bằng Mỹ hoặc thậm chí vượt qua nước này vào giữa thập niên 2030, nhưng sau đó sẽ bị tụt lại phía sau khi khủng hoảng dân số già ở nước này bắt đầu.
Một trong những câu hỏi khó nhất và bị lãng quên nhất trong cuộc tranh luận này là điều gì sẽ xảy ra đối với tỷ giá hối đoái giữa hai quốc gia và với cả mức giá cả bên trong mỗi quốc gia. Hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc về cơ bản vẫn đang rẻ hơn đáng kể so với mức giá trung bình ở Mỹ. Nếu Trung Quốc tiếp tục thu hẹp khoảng cách về năng suất với Mỹ, giá cả hàng hóa hai nước sẽ dần trở nên giống nhau, thông qua một đồng tiền mạnh hơn hoặc lạm phát tăng nhanh hơn. Những thay đổi này có thể gây ra sự khác biệt lớn. Ví dụ, Goldman Sachs dự đoán rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt 38 triệu đô la vào năm 2031, theo mức giá cả và tỷ giá hối đoái phổ biến trong năm đó. Con số đó sẽ cao hơn gấp đôi con số hiện tại và đủ để biến nước này thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng không phải tất cả mức tăng đó sẽ đến từ tăng trưởng kinh tế. Phần lớn mức tăng này cũng sẽ đến từ việc giá cả tăng cao và việc tỷ giá hối đoái cũng tăng. Theo dự báo, nếu tính theo giá trị thực, GDP Trung Quốc sẽ tăng khoảng 47% vào năm 2031 so với mười năm trước đó (tức tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng dưới 4% một năm). Giá cả trong nước sẽ tăng khoảng 30% và tỷ giá hối đoái của nước này sẽ tăng gần 13%. Chính sự kết hợp của ba yếu tố này, thay vì chỉ mỗi tăng trưởng kinh tế, sẽ quyết định xem liệu Trung Quốc có thể trở thành nhà vô địch kinh tế hạng nặng miễn tranh cãi của thế giới hay không.