Chiến dịch chống tham nhũng đã hạ bệ Chủ tịch nước Việt Nam
Nỗ lực bài trừ tham nhũng này cũng là một nỗ lực cải cách nghiêm túc
Dịch từ The Economist
Vào thập niên 1960, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện trình độ hậu cần cao siêu của mình khi họ vận chuyển vũ khí bằng xe đạp dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Khi COVID-19 xuất hiện vào năm 2020, trình độ hậu cần của Đảng Cộng sản lại được thể hiện. Khi biên giới đóng cửa, hàng chục ngàn công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thuê gần 800 chuyến bay để đưa họ về nước.
Tuy nhiên, người ta sớm phát hiện ra rằng không phải chuyến đi nào cũng đã diễn ra suôn sẻ. Quan chức ở các Đại sứ quán đã yêu cầu kinh phí từ 5.000 đô la trở lên trước khi cho phép người dân được hồi hương. “Một người phụ nữ ở chung trại cách ly với tôi đã phải trả gấp ba lần số tiền mà tôi trả,” một người về nước hồi ấy cho biết. Một lần nữa, chính phủ lại nhanh chóng hành động. Đầu năm 2022, các nhà điều tra đã bắt đầu bắt giữ nhiều quan chức vì cáo buộc những người này ép người hồi hương phải hối lộ. Hàng chục người hiện đang bị truy tố, trong đó có hai cựu bộ trưởng. Vào ngày 17 tháng 1, Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Việt Nam, đã từ chức để chịu trách nhiệm cho vụ bê bối.
Tuy tham nhũng không phải là hiếm ở Việt Nam, việc Chủ tịch nước từ chức thì lại rất hiếm. Việc ông Phúc từ chức cho thấy rằng đại dịch đã gia tăng mức độ quyết liệt của nỗ lực chống tham nhũng kéo dài một thập kỷ qua, hay còn được biết đến là “đốt lò”. Chống tham nhũng là chính sách đặc trưng của Nguyễn Phú Trọng, người với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chính là nhà lãnh đạo tối cao của đất nước—ông có nhiều quyền lực hơn cả Thủ tướng và Chủ tịch nước.
Giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Trọng đã sử dụng cuộc chiến chống tham nhũng để tích lũy thêm quyền lực cho bản thân và cho Đảng Cộng sản. Anh Nguyễn Khắc Giang, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam tại Hà Nội, cho biết: “Trước chiến dịch chống tham nhũng thì vẫn tồn tại sự cân bằng giữa Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các quan chức cấp cao bị thanh trừng vì tội tham nhũng chủ yếu là đã công tác và vươn lên trong các cơ quan của chính phủ, chứ không phải là của Đảng. Kết quả là Đảng đang ngày càng chiếm ưu thế.”
Cuộc thanh trừng này cũng là một nỗ lực cải tổ nghiêm túc. Ông Trọng năm nay 78 tuổi, hiện đang phục vụ nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba, và ông thuộc thế hệ lãnh đạo cuối cùng từng sống qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khi đã trưởng thành. Ông được coi là một người thực sự muốn loại bỏ nạn tham nhũng đã tràn lan sau khi Việt Nam áp dụng kinh tế thị trường vào thập niên 1990. Andrew Wells-Đặng, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một cơ quan độc lập nhưng được quốc hội Mỹ tài trợ, cho biết: “Các nhà quan sát đã hiểu sai hoàn toàn về ông ấy: chúng tôi từng chỉ coi ông ấy như một người tạm thời giữ ghế cho người khác.” Một số người trong Đảng Cộng sản gọi ông Trọng là “con trâu dốt”.
Những kẻ lợi dụng đại dịch để tham nhũng đã phất tấm áo choàng đỏ trước mặt con trâu này. Vào tháng 12 năm 2021, giám đốc điều hành của công ty thiết bị y tế Việt Á đã bị cáo buộc tội hối lộ các quan chức để họ mua bộ xét nghiệm COVID của công ty ông. Các quan chức bị cáo buộc đồng lõa đã bị bắt giữ sau đó, bao gồm cả bộ trưởng của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ, tức những bộ đã tuyên bố sai sự thật rằng bộ xét nghiệm của Việt Á đã được chứng nhận bởi WHO và chính phủ Anh.
Nhân viên ở các đại sứ quán từ Ăng-gô-la đến Nhật Bản đã bị trừng phạt vì dính đến vụ chuyến bay hồi hương. Vào tháng Tư, một thứ trưởng ngoại giao đã bị bắt vì vụ bê bối này. Bộ Công an đầy quyền lực, tức cơ quan đang thực hiện các cuộc điều tra tham nhũng nói trên, đã đưa ra cáo buộc cho ba quan chức trong chính Bộ của mình. Vào ngày 5 tháng 1, cuộc thanh trừng đã khiến hai phó thủ tướng mất chức, trong đó có bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng được cho là có khả năng trở thành Thủ tướng trong tương lai.
Cuộc thanh trừng cũng đã tấn công cả lĩnh vực tài chính. Vào tháng 4, các nhà quản lý của một tập đoàn bất động sản thương mại đã bị bắt sau khi tổ chức này đưa ra giá đấu thầu hơn 1 tỷ đô la cho một khu đất ở Hà Nội. Vào tháng 10, vụ bắt giữ người đứng đầu một công ty bất động sản khác đã châm ngòi cho việc dân thi nhau rút tiền ra khỏi một ngân hàng đã bán chứng khoán của công ty nói trên.
Chiến dịch chống tham nhũng đã thành công một phần. Xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã tăng từ thứ 111 trên thế giới lên thứ 87. Oliver Massmann, một luật sư từng tư vấn cho chính phủ Việt Nam, cho biết quốc gia này đang bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn kế toán để tuân theo thỏa thuận bảo vệ nhà đầu tư của Mỹ và Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, một số vụ bắt giữ vẫn có động cơ chính trị. Ngụy Thị Khanh, một nhà hoạt động chống điện than nổi tiếng, đã bị kết án hai năm tù vào tháng 6 vừa rồi vì tội không nộp thuế cho tiền thưởng từ một giải thưởng môi trường mà bà được nhận. Chiến dịch này cũng đang có những tác động tiêu cực tới kinh tế. Tiến sĩ Massmann cho biết: “Vì hạch toán nay bị kiểm soát chặt chẽ hơn, các quan chức hay tham nhũng sẽ không muốn thực hiện các dự án đầu tư lớn bởi vì họ không thể ‘ăn’ được từ những dự án này nữa.” Ngay cả một số quan chức trung thực cũng sợ bị tai tiếng đến mức họ không dám phê duyệt cái gì.
Hậu quả được hiển thị rõ trong số liệu thống kê về đầu tư. Tỷ lệ giải ngân đầu tư vốn nhà nước—tức tỷ lệ ngân sách của chính phủ cho đường xá và những thứ tương tự mà thực sự được chi tiêu—đã giảm từ khoảng 70% trong năm 2011-2014 xuống còn khoảng 50% vào năm 2019. Sau khi tỷ lệ này tăng vọt sau COVID, năm ngoái nó lại giảm xuống còn 58%. Anh Giang nói: “Các quan chức bây giờ sợ tất cả mọi loại trách nhiệm, từ ký tên cho đến soạn thảo tài liệu cho các dự án.” Mọi thứ trong chính phủ đều bị dừng khựng lại, kể cả việc thu thuế. Một số công ty nước ngoài ở Việt Nam phàn nàn rằng họ không thể nộp thuế. Các quan chức liên quan đang lo lắng rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm nếu thu sai số tiền.
Việc mọi thứ bị đình trệ đang làm chậm các dự án cơ sở hạ tầng rất cần thiết cho đất nước. Đường cao tốc Bắc Nam vẫn chỉ là một mớ hỗn độn. Tàu điện ngầm được hứa hẹn từ lâu của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được mở cửa sau một thập kỷ kể từ khi khởi công. Điều này sẽ không gây nguy hiểm cho tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn. Tăng trưởng được ước tính đạt mức 7,5% vào năm 2022 và dự kiến sẽ vượt 6% trong năm nay. Khi Mỹ và Châu Âu tách khỏi Trung Quốc, các nhà sản xuất đang ngày càng chuyển hướng sang Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trọng muốn đất nước mình trở thành một quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030. Và để điều đó xảy ra, các quan chức trung thực phải được phép phê duyệt dự án mà không sợ bị bắt.